[Kaenkey] Biến “Keychuông” thành Keychron – Phần 1

Thế lực Keychuông, à nhầm Keychron là gì ?

Keychron là một hãng làm phím nổi lên với những cái tên như K2, K4, K6 vào đầu 2020, tạo ra một mảng phím dành riêng cho MacOS, hỗ trợ rất tốt cho hệ điều hành này với các nút function. Sau chưa tới một năm thì hãng đã ra các phiên bản v2 để khắc phục những nhược điểm nhỏ trên phím và bán bản kit, không switch không keycap, ra thêm bản có viền nhôm. Keychron cũng đã ra mắt thêm các dòng phím full nhôm mang mã hiệu Q và song song duy trì dòng K đã tạo nên tên tuổi của hãng, ra mắt thêm dòng K pro – phím nhựa nhưng mạch xuôi và có VIA giống dòng Q . Hãng cũng ra mắt thêm rất nhiều sản phẩm khác như chuột, kê tay, keycap, switch, cả phím cũng được phát triển rất nhiều layout khác nhau.

Dưới góc nhìn của người viết, Keychron là một hãng phím rất biết lắng nghe người dùng, gần như các phản hồi của người dùng đều được ghi nhận và đưa vào các sản phẩm tiếp theo của họ. Giá bán ra cũng khá tốt và nhiều nguồn cung, dễ dàng lựa chọn và mua. Hiện tại đã có nhiều bên phân phối chính hãng và các cửa hàng xách tay mẫu phím này nên rất dễ bảo hành cũng như sở hữu cho mình một chiếc Keychron với layout mà các bạn mong muốn.

Vì sao là Keychron Q10 ?

Q10 là một mẫu phím layout Alice nhưng lại có cả hàng F bên trên, cột macro bên tay trái, hàng điều hướng bên tay phải và cả núm vặn chỉnh âm lượng. Gần như đây là một tồn tại phím mà chỉ có Keychron mới làm và bán trên thị trường. Với gu độc lạ của người viết thì đây gần như là một con phím chân ái và đáng sưu tầm.

Tuy nhiên dòng Q full nhôm của Keychron vẫn vướng phải nhiều vấn đề về âm thanh chưa được xử lý tốt và tạo ra tiếng “vang”, và đúng như tiếng vang của mình thì người dùng đặt cho nó cái tên thân thương là Keychuông thay vì gọi đúng tên. Nhưng cuối cùng thì những con phím vào tay mình đều sẽ gõ ngon hết và mình cũng sẽ hướng dẫn cho mọi người làm thế nào để làm được như vậy.

Bài viết dựa trên video mod Keychron Q10 có trên kênh youtube Kaenkey, mọi người có thể tham khảo video sau khi đọc bài viết để hiểu rõ hơn.

Xử lý phần top case

Đối với layout Alice này, nó khác hơn các dòng phím thẳng thông thường là trên top sẽ có rất nhiều các phần blocker, các phần này nằm tự do, không có điểm tựa, vì thế khi chịu tác động của ngoại lực là khi chúng ta gõ, thì các phần này sẽ bị dao động, rung, tạo ra tạp âm. Vấn đề này hiện hữu trên các dòng Q khác không riêng gì Q10, Q1 các phần blocker ngăn cách hàng F với phần alpha, Q2 thì ít hơn chỉ có một vài blocker bên tay phải.

Để khắc phục thì mọi người dùng gasket 2mm dán vào các vị trí đó, dưới phần top, dưới đây là ảnh tham khảo cho Q10, các phím khác cũng sẽ dán tương tự các vùng như vậy nếu có. Để dán cho Q10 cần mua khoảng 15 miếng (3 gói) vì cần dán rất nhiều vị trí, các phím khác khoảng 5-10 (1-2 gói) là đủ. Ngoài ra còn cần mua thêm khoảng 10 miếng gasket 4mm để dán thêm cho các vị trí chưa có gasket.

Dán gasket top này ngoài việc chống vang cho các phần blocker thì còn có công dụng ép cụm pcb-plate xuống, giảm thiểu việc lộ switch lên khỏi phần top. Bài dán gasket top này cũng có thể áp dụng trên những kit khác gặp vấn đề tương tự, nếu không thể dán top thì có thể thay loại gasket dưới bot thành loại mỏng hơn cũng sẽ cho hiệu quả tương tự, nhưng chỉ áp dụng trên phím gasket mount được thôi do phần gasket chúng ta có thể tùy ý hiệu chỉnh độ dày được.

Cuối cùng là tháo các miếng forcebreak có sẵn trên top ra vì vật liệu họ sử dụng là silicon nó khá là cứng và dày, bố trí cũng quá rời rạc, các phần mình khoanh đỏ là khoảng không có đệm silicon thì nó sẽ hở, mà hở không có điểm tựa là sẽ rung/vang, tạo tạp âm. Thay vì thế thì sẽ dán forcebreak dưới đáy mà mình sẽ hướng dẫn trong phần 2 của bài viết.

Phần 2 sẽ là xử lý bot case và thay foam/plate